Hầu hết chúng ta thường nghĩ rằng các cộng đồng Phật giáo ở phương Tây đã không đặt trọng tâm đúng mức cần thiết cho trẻ em. So với người lớn, rõ ràng chúng ta thiếu một số yếu tố để truyền đạt giáo lý cũng như phương pháp thực hành cơ bản cho trẻ nhỏ.
Đối với Phật giáo châu Á và các tôn giáo khác ở phương Tây “các ngày lễ tôn giáo” vẫn có thể là dịp để gia đình họp mặt và thêm gắn bó nhờ những phong tục tập quán, vì vậy các kỳ nghỉ lễ nên là thời điểm tạo duyên cho trẻ em được tiếp cận giáo lý và những giá trị của Phật giáo theo các hình thức gây ấn tượng tích cực không chỉ hiện tại mà còn lâu dài trong tương lai. Vậy thì, câu hỏi đặt ra là có cách nào để làm cho các ngày lễ truyền thống Phật giáo trở nên “đơn giản, thú vị và gần gũi với trẻ em” hơn nhưng vẫn bảo tồn trọn vẹn thông điệp, giá trị và phong tục truyền thống nguyên thủy?
Đây hẳn là mối ưu tư của nhiều bậc phụ huynh Phật tử vào thời điểm này trong năm, trong không khí rộn ràng của những ngày lễ lớn của các tôn giáo khác. Trẻ con Phật giáo có thể cảm thấy bị lạc lỏng hoặc lúng túng, và chúng ta có thể đã bỏ lỡ những cơ hội để hướng dẫn các em những bài học quan trọng khiến các em cảm thấy được tham gia vào những sinh hoạt tín ngưỡng gia đình để xây dựng đức tin về Phật giáo khi lớn lên.
Từ những nhận thức như vậy, tôi muốn “thiết kế lại” một vài ngày lễ truyền thống của Phật giáo sao cho phù hợp với nhu cầu phương Tây hơn một chút, và đặc biệt là nhu cầu của các gia đình trong việc hướng dẫn những bài học hay cho trẻ em.
Thử nghĩ xem, đối với các tín đồ Do Thái giáo, “Hanukkah” theo truyền thống không bao giờ là một ngày lễ lớn của người Do Thái cho đến khi những người ở phương Tây quyết định rằng các gia đình và trẻ em Do Thái cần có một kỳ nghỉ vào thời điểm này trong năm (phần lớn là một “ngày lễ được phát minh”). Tương tự như vậy, “Kwanzaa” là một ngày lễ được “phát minh” ra ở thập niên 1960 để kỷ niệm di sản của người Mỹ gốc Phi vào thời điểm tháng 12 hằng năm.
Đặc điểm của những ngày lễ này KHÔNG có cửa hàng buôn bán (bằng cách đề cao – ví dụ – làm từ thiện, bố thí cho người khác một cách vô vụ lợi, tự làm hoặc tặng những món quà liên quan đến tinh thần Phật giáo), KHÔNG có sự hào nhoáng và chủ nghĩa thương mại, chúng ta có thể biến Bodhi Day và một số ngày lễ khác như Vesak thành SỰ KIỆN HỌP MẶT Ý NGHĨA CỦA GIA ĐÌNH. Những thông điệp trọng tâm của ngày lễ như vị tha, độ lượng, phá chấp, hài hòa, tỉnh thức, từ bi, nhân ái v.v. cần được bảo tồn và truyền đạt cho trẻ em vào dịp lễ này. Bấy giờ, thông điệp về những ngày lễ như vậy thường được truyền tải thông qua các thời tụng kinh và nghi lễ nhưng, tại sao không thể thông qua những bài hát vui tươi và nghi lễ đơn giản tại mỗi gia đình để tất cả thành viên cùng tham gia? Và tất nhiên ý nghĩa, truyền thống và tác động tích cực của những ngày lễ này sẽ không dễ bị mai một.
Đừng ngại ai đó buộc tội chúng ta chỉ là “cố gắng sao chép” Lễ Giáng sinh, vì chúng ta có thể cung cấp cho Trẻ em Phật giáo phương Tây cảm giác rằng chúng cũng có một “Lễ Giáng sinh Phật giáo”. Với nhận thức đúng đắn, chúng ta thực sự không thái hóa trong việc sao chép một cách thiếu ý thức lễ Giáng sinh, nhưng chúng ta nên có những biểu tượng, bài hát và nghi lễ mà trẻ em và phụ huynh có thể tham gia được. Cả kỷ niệm Đức Phật thành đạo và các ngày lễ khác đều là những sự kiện hoan hỷ. Đó là dịp lễ nối nhau từ khoảng thời gian của Ngày Thành Đạo (8 tháng 12) cho đến Ngày Năm mới, cũng tựa như Hanukkah và Kwanzaa. Rồi đến mùa xuân, Vesak (kỷ niệm ngày lễ Phật đản, tháng 4 hoặc tháng 5 ở các nước châu Á) cũng tựa như “lễ Phục sinh” của Phật giáo… cũng là dịp nêu bật thông điệp Giáo lý Phật giáo theo cách mà trẻ em có thể hiểu được ý nghĩa của ngày này.
Trên đây là những nhận định và ý tưởng thú vị của thiền sư Jundo Cohen, khi nghĩ đến việc truyền đạt nội dung Phật giáo đến trẻ nhỏ, qua những ngày lễ lớn trong năm. Hẳn nhiên đây cũng là những suy nghĩ của nhiều bậc phụ huynh theo truyền thống Phật giáo lâu nay.
Jundo sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ nhưng đã sống ở Nhật Bản hơn nửa đời người. Ngài xuất gia năm 2002 và sau đó được Sư phụ Gudo Wafu Nishijima truyền Pháp và là thành viên của Hiệp hội Phật giáo Thiền phái Sōtō. Jundo Cohen sáng lập và là giáo thọ tại Treeleaf Zendo, một Tăng đoàn Thiền phái Sōtō, sử dụng phương tiện trực quan để liên kết những người thực hành Thiền trên toàn thế giới. Treeleaf phục vụ những người không thể dễ dàng đi đến một trung tâm thiền do yếu tố sức khỏe; tuổi tác hoặc khuyết tật; sống ở vùng sâu, vùng xa; hoặc nhu cầu công việc, chăm sóc con cái, hoặc gia đình; Treeleaf cung cấp các bài thiền định, khóa tu, thảo luận, tương tác với giáo viên và tất cả các hoạt động khác của tăng đoàn Phật giáo Thiền tông, tất cả đều trực tuyến mà không cần suy nghĩ về vị trí hay khoảng cách.
Trong tâm thư phổ biến trên diễn đàn của Treeleaf Zendo về ý tưởng này, ông nói: “… đó là lý do tại sao tôi đề nghị thành lập một ủy ban thiết kế những ngày lễ này, điều hợp việc viết các bài hát mới (Tôi dự đoán sẽ có một “cuộc thi viết bài hát”), những câu chuyện để kể cho bọn trẻ trong bữa ăn kỷ niệm, các biểu tượng (tương tự với cây thông Noel), cách xử lý việc tặng quà theo hướng tích cực (cho người khác chứ không phải là cho chính chúng ta)… Song, bấy giờ chúng ta vẫn cần phải tôn trọng nội dung truyền thống đã có xưa nay (chủ yếu dành cho các nhà sư trong tự viện mà không phải tại gia), nên đồng thời cũng cần thể hiện và duy trì đầy đủ những nội dung đó.
Các bậc cha mẹ phải là động lực chính của ủy ban, vì hơn ai hết quý vị biết rõ nhất những gì các gia đình sẽ được hưởng lợi lạc và cần thiết. Vì vậy, hầu hết những người tham gia vào dự án này chủ yếu là các ông bố và bà mẹ. Tất nhiên, mọi thành viên Tăng đoàn được hoan nghênh để thêm ý tưởng của họ cho chủ đề.
Kế hoạch của tôi là, trước tiên, chúng tôi thiết kế các ngày lễ chủ yếu cho Tăng đoàn của mình. Sau đó, khi chúng ta nghĩ ra một số nội dung hay, khả thi, hãy bắt đầu khuyến khích các Tăng đoàn Thiền tông khác ở phương tây qua chia sẻ ý tưởng này của chúng ta. Và sau nữa, đến các Phật tử phương Tây khác”.
Nhiều Tăng sĩ và phụ huynh lẫn không phụ huynh Phật tử đã đánh giá cao dự án của Jundo Cohen, họ nao nức và tin rằng điều này – theo thời gian – sẽ thành hiện thực.
Quả tình, chúng ta có thể đi trên một chặng đường tốt đẹp hơn. Một mặt, chúng ta muốn tuyệt đối thành tâm và trung thành với truyền thống của riêng mình, chúng ta bảo tồn và giữ đức tin là đức tin Phật giáo.
Mặt khác, nếu chúng ta thống nhất với một số ngày lễ khác để thu hút trẻ em, tôi không thấy tác hại. Chẳng hạn, Bồ tát Kannon, chính tinh thần Từ bi và Độ lượng, được cho là xuất hiện trong 10.000 biểu hiện. Và vì vậy, chúng ta có thể cho phép bọn trẻ nghĩ rằng, ông già Noel là một trong 10.000 biểu hiện đó… sẽ không thấy vấn đề.
Và liệu có đi quá xa khi cho phép mình có và trang trí một “cây Bồ đề” trong nhà, có lẽ có hình dáng hơi khác với “Cây thông Noel” truyền thống? “Liệu chúng ta có thể vượt qua ranh giới tốt đẹp giữa phong tục và truyền thống của chúng ta và ‘hội nhập’ những phong tục tập quán khác không? Tất nhiên nếu chúng ta làm điều đó không tốt, hoặc đi quá xa trong việc trộn lẫn, chúng ta thực sự có thể kết thúc với một mớ hỗn độn”.
Và đó, cũng là điều mà Jundo Cohen nhắc nhở. Vì vậy, Ông và những đồng sự rất cẩn trọng khi bắt tay vào dự án của mình.
Tâm Hài Hòa lược thuật
Bình Luận Bài Viết