Trong tất cả các pháp khí thiền gia, chiếc Mõ là một trong những pháp khí quan trọng bậc nhất, được sử dụng thường nhật vào các thời khoá công phu của tự viện. Khi tiếng mõ được cất lên, hết thảy đại chúng đều nhất tâm xướng tụng theo đúng nhịp trường canh của vị duyệt chúng. Từ đó, cùng với các khí cụ khác đã tạo nên không khí buổi lễ thêm phần trang nghiêm, trầm hùng.
Mõ là tiếng gọi thân thuộc của người Việt chúng ta, âm Hán là Mộc Đạc (木鐸). Từ Đạc 鐸, trong chữ có bộ Kim 金, thể hiện đó là môt nhạc khí bằng kim loại. Ban đầu theo từ điển Thiều Chửu là cái chuông lắc, ngày xưa khi nào ra tuyên mệnh lệnh thì lắc chuông. Đó là khởi nguyên khi chúng ta thấy được hình ảnh chiếc chuông lắc cổ với dáng vẻ tròn, có quai và thêm phần rảnh xẻ ngang, khi rung lắc thì phần thanh kim loại được bỏ vào bên trong sẽ phát ra tiếng. Sau quá trình giao thoa văn hoá trong thời gian dài đã hình thành nên chiếc mõ bằng gỗ dựa trên kiểu dáng như chiếc chuông vậy, và người ta đã thêm chữ Mộc 木vào trước chữ Đạc 鐸. Hình thành nên cụm từ Mộc Đạc (木鐸). Theo Khang Hy tự điển, vào thời cổ đại, khi có trật tự mới, Mộc Đạc phải được đánh để cảnh báo mọi người. Mộc đạc là lưỡi gỗ. Đối với các vấn đề dân sự, thì đánh Mộc Đạc, và đối với các vấn đề quân sự, thì đánh Kim Đạc.
Ở các nước theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền như: Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam,… Hình ảnh chiếc mõ hàng ngàn năm đã tồn tại đến bây giờ. Trong Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy (勅修百丈清規) của Hoài Hải Thiền sư, có đoạn: “Mõ tròn bằng gỗ khắc hình con cá mở mắt dùng để tụng kinh, bởi vì loài cá ban đêm thường mở mắt được khắc sâu trên mõ để tụng kinh gõ lên cảnh thức người mê và dẫn chúng hòa âm theo đều”. Chưa rõ nguyên sơ ban đầu của việc áp dụng hình ảnh con cá vào trong chiếc mõ, nhưng khi nói đến mõ thì ai cùng đều liên tưởng đến hình ảnh con cá. Bởi vì con cá có cấu tạo giác quan mắt không có phần mí, nên chúng ta dù ngày hay đêm vẫn thấy nó đều mở mắt. Chính nguyên do này, các Tổ đã phương tiện, lấy biểu tượng con cá để vận dụng vào hình ảnh chiếc mõ, nhằm biểu tướng cảnh tỉnh người tu hãy luôn tỉnh thức chánh niệm trong từng sát – na, đoạn trừ trạng thái hôn trầm. Do đó Mộc Ngư (木魚) là cách gọi thứ 2 được xuất hiện.
Về hình dáng của chiếc Mõ, ở đây chúng ta sẽ tập trung sâu về chiếc mõ Gia trì (木魚), thay cho một hình thức mõ khác gọi là Ngư Bang 魚梆, Khai Bang 開梆, hoặc Ngư Bảng 魚板 (chỉ mõ cá dài).
Đầu tiên, Mõ gia trì ở các nước từ xưa đến nay đều với hình thức được điêu khắc 2 con cá hoá long cùng tranh nhau một viên minh châu. Viên minh châu là một trân phẩm quý giá đối với góc nhìn của người phàm phu, biểu tượng cho sự ham muốn trần tục mà con người phải chà đạp tranh giành lẫn nhau. Vì biểu tướng đó, khi chúng ta cầm dùi để thức những tiếng mõ ngân vang chính là thức thân và tâm của chúng ta, thức cho những nhiễm ô bên trong được trục xuất để cho người ta đạt đến cảnh giới giác ngộ, thành tựu đạo quả giống như sự tích cá chép nhả ngọc để hoá rồng vượt qua vũ môn. Ngày xưa, ở phần minh châu thợ chạm rất kỹ, thể hiện được sự tự nhiên, tròn đầy của viên minh châu, không như bây giờ chỉ mang tính hình thức.
Thứ hai, giữa hai phần vảy của 2 con cá gần chỗ nơi dùi thức mõ, khi xưa các Tổ vận dụng điêu khắc một cái vòng khoen xâu cả hai con lại với ý nghĩa trên bước đường tu hành, cần phải có sự hoà hiệp, hoà hiệp phải dựa trên tinh thần lục hoà bởi bản chất của Tăng-già là hoà hiệp và thanh tịnh. Ngày nay, hình thức chạm trỗ này chỉ còn thể hiện số ít ở Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam đã không còn xuất hiện. Đối với Việt Nam, từ khoảng đầu thế kỷ XX đến ngày hôm nay, người ta đã thay thế biểu tượng khoen tròn bằng hình thức hoa văn chữ Thọ 壽 viên thể (hình tròn).
Thứ ba, tiền thân của thời mõ có hình hoa văn chữ Thọ, là hình ảnh chiếc mõ có cái khoen vòng xâu giữa 2 con cá. Điểm đặc trưng lý thú mà chúng ta có thể bắt gặp đa phần ở dạng mõ lớn này tại các ngôi chùa cổ như Chúc Thánh, Phước Lâm, Thập Tháp, Pháp Bảo … và những chiếc mõ xưa của Nhật đó chính là 6 hoa văn vòng xoắn ốc. 4 vòng xoắn bên trên ở cuối phần vảy và 2 vòng xoắn bên dưới khoen tròn. Vì sao nó có sự xoắn ốc và cộng lại với tổng số bằng 6?. Chính vì các tổ vận dụng triết lý của lục đạo luân hồi (Trời, Người, A-tu-la, Ngạ quỷ, Súc sinh, Địa ngục), xoay chuyển trầm luân mãi như vòng xoắn ốc. Khi thức mõ là giúp chúng sanh trong 6 đường đều nghe, đều có thể giác ngộ mà vượt ra khỏi cõi xoay vòng mê mờ ấy.
Thứ tư, phần bên hông của quai mõ ngày xưa được làm rất kỹ. Vảy cá hay còn gọi là cái kỳ được tạo khối dày dặn và nổi hơn, giữa 2 kỳ thì được chạm trổ các hoa văn xếp chồng tinh xảo. Đối với các nước ngày nay, hoa văn giữa hai kỳ đã được tinh giảm, đơn giản hoá, đa phần thợ chạm bỏ qua phần này.
Cuối cùng, vì sao mõ khi xưa được sơn màu đỏ (红色)? Theo thuyết ngũ hành, Màu đỏ tượng trưng cho Hoả 火, mõ gỗ tượng trưng cho Mộc 木, Mộc sinh Hoả, theo dân gian tức là mạng Mộc hỗ trợ, thúc đẩy, nuôi dưỡng để mạng Hoả, nhằm phát triển và trường tồn nơi thờ tự. Theo một thuyết khác, Trung Quốc bắt nguồn từ sự tôn kính của người xưa đối với mặt trời và lửa. Các yếu tố này đã được người xưa lưu truyền với một ý nghĩa thiêng liêng, đây cũng là nguồn gốc của biểu tượng thế tục của màu đỏ là “trừ tà và tránh điều xấu”. Còn đối với nhà Phật, màu đỏ tượng trưng Mặt trời (日), khi chúng ta thức từng tiếng mõ chính là thức bản thân quay về với giác tánh, quay về với chơn tâm thanh tịnh, làm cho PHẬT NHỰT trường minh, pháp luân thường chuyển. Ngày nay, vì thời cuộc thương mại hoá nên con người ta dần lược bớt những giá trị sâu sắc này, khiến cho những chiếc mõ ngày càng mất vẻ đẹp ý nghĩa nguyên sơ ban đầu. Làm trái đi quy luật và cái ý của người xưa như mõ xưa thì sơn đỏ, mõ nay thì không sơn; ngược lại, chuông xưa không sơn, chuông nay lại sơn nhiều màu.
Hôm nay, nhân duyên được một người bà con tiến cúng gốc mít trăm năm cho ngôi chùa Phước Long – một ngôi cổ tự lịch sử của đất Duy Xuyên. Chúng con kính học theo hạnh người xưa, phục chế lại chiếc mõ theo lối cổ truyền đất Việt. Qua quá trình nghiên cứu các mõ xưa, như ở Linh Mụ, Quy Thiện, Giác Lâm (SG), Từ Ân (SG), Chúc Thánh, Phước Lâm,… cũng như mõ đẹp của các nước, chúng con đã rút ra những điểm chung và những điểm riêng của người Việt mình để hoàn thiện nên một tác phẩm để lại muôn đời cho hậu thế. Khi thức tiếng mõ này, chính là thức lòng từ bi và trí tuệ của chúng ta, đồng thời thức tỉnh cho con người về những vật chất mang cái sự và cái lý của cổ nhân, giúp chúng ta hiểu người xưa hơn, sống lại một thời huy hoàng của giá trị thẩm mỹ.
Chúng con cung kính nghe rằng:
Gia trì mật niệm tẩy trần tâm
Mộc ngư khảo hướng chuyển tam luân
Tề chúng lục hòa tuyên bối diệp
Tứ sanh cửu hữu lễ kim thân.
Án Yết Đế Yết Đế Ta Bà Ha!
Chỉ một chiếc mõ tụng kinh thôi mà đã chứa đựng một triết lý Phật pháp huyền vi mầu nhiệm. Chính vì vậy, khi làm một tác phẩm không riêng gì chiếc mõ, chúng ta phải học theo cách người xưa làm, học từng ý nghĩa được thắm đượm trong từng đường nét hoa văn kỹ xảo. Có vậy hàng hậu học về sau mới được tường tận về những giá trị muôn đời.
Sự Lý Viên Dung!
Thành kính cảm tạ thâm ân Đại lão Hòa thượng Tôn sư Thích Như Thọ, người thầy đã dành một đời phục hưng nghi lễ cổ truyền Phật giáo xứ Quảng, đã có những chỉ dạy sâu sắc cho chúng con về những ý nghĩa ngày xưa của Phật giáo.
Thành kính tri ân cư sỹ Tâm Định – Trương Văn Túy (tức Công Định), năm nay cụ đã 77 tuổi, người nghệ nhân một thời tạo tác những chiếc mõ xưa trên đất Cố Đô đã chia sẻ những công đoạn cũng như phương thức hoàn thiện một chiếc mõ vừa hay lại đẹp.
Phước Long Tự, Mùa An Cư PL 2569
Hậu học Đinh Tâm An
Kính ghi
Tài liệu tham khảo:
Hiện nay, hậu thế đã làm trái đi quy luật và cái ý của người xưa. Điển hình như:
Mõ xưa thì sơn son thếp vàng (hình trên), mõ nay thì không sơn mà thay vào đó chỉ quét PU (dưới);
Ngược lại, chuông xưa không sơn và màu sắc sẽ trầm mặc theo thời gian (trên), chuông nay lại sơn nhiều màu (dưới).
Qua quá trình khảo cứu, hình ảnh mõ 1 và 2 là những mõ thời kỳ đầu vẫn còn xuất hiện hình thức khoen tròn xâu 2 con cá và 6 vòng xoắn ốc. Đối với mõ 3 và 4 đã lược bớt phần này, thay vào đó sẽ làm hoa văn chữ Thọ hoặc là mặt nhật được chạm chữ và không có xoắn ốc.
1: mõ cổ ở Tổ đình Chúc Thánh – Hội An. Cuối TK XVIII – đầu TK XIX.
2: mõ cổ ở Nhật Bản TK XIX, hiện tại bảo tàng Metropolitan, New York.
3: mõ cổ ở Tổ Đình Tường Vân – Huế. Đầu TK XX.
4: mõ cổ ở Tổ đình Từ Ân – Saigon. Đầu TK XX.
Đinh Tâm An