Sứ quán cổ nhất trong nền ngoại giao nước Việt
Chùa Quán Sứ vốn là đất một khu nhà cho các sứ thần các nước trú chân trước khi vào chầu Vua nước Việt. Thường là dành cho các sứ thần phương Nam đến từ các nước Chiêm Thành, Ai Lao, Chà Và... Sứ giả các nước này vốn sùng đạo Phật nên người ta xây thêm một ngôi chùa nhỏ ngay trong khu để họ có nơi tế lễ. Như vậy, ngay từ đầu, địa điểm này đã có sự kết hợp của dinh sở và chùa chiền. Chùa Sứ Quán có thể coi như những sứ quán cổ nhất trong nền ngoại giao của nước Việt với lân bang.
Theo thời gian và chiến tranh, khu dinh cơ dành cho các sứ thần sụp đổ nhưng chùa thì vẫn còn và được tu sửa lại làm chỗ cho các binh sĩ đóng quân ở một đồn gần đó có nơi bái lễ. Khởi thủy từ thời Lê sơ, thế kỷ XV và quy mô chùa khi ấy chưa khang trang bằng các chùa khác có niên đại trước đó hoặc cùng thời. Nhưng lịch sử luôn có chỗ bất ngờ nhất định, từ một chỗ trú chân của các sứ thần, có thêm chùa với quy mô khiêm tốn, Quán Sứ đã trở thành ngôi chùa khang trang, trụ sở chính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhánh tôn giáo truyền thống được nhiều người hướng tới nhất.
Quang cảnh chùa Quán Sứ
Chùa Quán Sứ thờ thiền sư nổi tiếng thời Lý
Thời Pháp thuộc, Phật giáo có phần suy vi, có rất nhiều tôn phái khác nhau và thậm chí có lúc xảy ra những mâu thuẫn, bất hòa. Cần có một sự thống nhất, đoàn kết của Phật giáo Việt Nam bắt đầu từ những năm 1930 và từ miền Nam lan ra cả nước. Và năm 1934, Tổng hội Phật giáo Bắc Kỳ được thành lập, sư chùa Vĩnh Nghiêm, Hòa thượng Thích Thanh Hanh được tôn là “Thiền gia pháp chủ”, chùa Quán Sứ được chọn làm Trụ sở của Hội và từ đó chùa có một vị thế mới.
Để công cuộc chấn hưng Phật giáo được thực hiện nghiêm túc, người ta đã mở hẳn một cuộc thi vẽ kiến trúc chùa nhưng không thành công, cuối cùng bản vẽ thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Ngoạn và Nguyễn Xuân Tùng được chọn và đích thân trụ trì chùa Quán Sứ khi đó là tổ Vĩnh Nghiêm duyệt bản thiết kế. Năm 1942 chùa được hoàn thành. Là trụ sở của một giáo hội lớn, Quán Sứ có những điểm riêng biệt. Đó là ngôi chùa được xây hai tầng theo kiểu hiện đại đầu tiên trong cả nước. Tận ba mươi năm sau, chùa Vĩnh Nghiêm trong Sài Gòn mới được xây dựng cũng theo kiến trúc hai tầng. Và ở một ngôi chùa trung tâm của Giáo hội Phật giáo, ý thức giữ gìn chính pháp rất cao, trong chùa không có ban thờ “mẫu tam tứ phủ” vì đó là tín ngưỡng bản địa phát sinh không thuộc Phật giáo, điều khá hiếm gặp trong hệ thống chùa ở Việt Nam.
Chùa Quán Sứ hiện là ngôi chùa lớn nằm giữa khu trung tâm với tòa ngang dãy dọc phục vụ nhiệm vụ của mình. Chùa có thư viện, giảng đường, nhà khách, hội trường và tăng phòng. Kiến trúc chùa đẹp, thanh thoát, khá hiện đại nhưng vẫn đảm bảo những nguyên tắc pháp quy của tôn giáo. Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ thiền sư Nguyễn Minh Không, một vị thiền sư nổi tiếng thời Lý.
Bình Luận Bài Viết