Kinh Hoa Nghiêm, Bồ Tát Di Lặc đã từng dạy Thiện Tài rằng: “Bồ Đề tâm là hạt giống của hết thảy các Phật pháp. Bồ đề tâm là ruộng phước vì nuôi lớn cõi bạch tịnh. Bồ đề tâm là cõi đất lớn, vì nâng đỡ hết thảy thế gian. Bồ Đề tâm là tịnh thủy, vì rữa sạch tất cả cáu bợn phiền não”. Trong kinh Phật thường nhắc đến Bồ Đề tâm rất nhiều. Vậy chúng ta tìm hiểu đề tài phát Bồ Đề tâm là gì? Nguyên nhân phát khởi Bồ Đề tâm và lợi ích thực hành Bồ Đề tâm trong việc tu hành như thế nào?
I). Định Nghĩa: Bồ Đề Tâm Là Gì?
Bồ Đề tâm tiếng Phạn gọi là Bodhicitta nghĩa là tâm Giác Ngộ, là Trí Huệ Vô Thượng của chư Phât. Trí huệ đó cũng chính là cái Linh Giác, Chân Tâm, Phật Tánh, Tự Tánh thanh tịnh tâm của tất cả chúng sanh vốn đồng với chư Phật, không hai không khác.
Phát Bồ Đề tâm là lập cái chí nguyện mong cầu được Trí Tuệ vô thượng của chư Phật với nội hàm là “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”. Phát Bồ Đề tâm là làm hiển khởi cái tự tánh giác ngộ ở nơi chính mình. Đạt được Trí Huệ vô thượng của chư Phật thì cũng chính là làm hiển khởi cái tự tánh giác ngộ ở nơi chính mình (Phát Bồ Đề Tâm- HT Thích Trí Quang dịch)
“Cửa chính yếu để nhập đạo thì sự phát tâm đứng đầu, việc khẩn cấp để tu hành thì sự lập nguyện đứng trước”. Nguyện lập thì chúng sanh độ nổi, tâm phát thì Phật đạo thành được. Cái tâm quảng đại không phát, cái nguyện kiên cố chẳng lập, thì dẫu trải qua đời kiếp nhiều như cát bụi, cũng y nhiên vẫn ở trong phạm vi luân hồi. Kinh Hoa Nghiêm đã nói, quên mất tâm Bồ đề mà tu hành các thiện pháp thì gọi là hành động theo ma vương.
II). Tám Sắc Thái Của Tâm Nguyện:
Theo Văn Khuyên Phát Bồ Đề Tâm của Đại Sư Thật Hiền (1685-1734) đời nhà Thanh Trung Hoa (theo Tục Tạng tâp 109 trang 321) thì sắc thái tâm nguyện có tám, đó là Tà và Chánh, Chân và Ngụy, Đại và Tiểu, Thiên và Viên.
1. Tà: Người tu không tham cứu tự tâm, chỉ biết theo bên ngoài, hoặc cầu danh lợi, đắm cảnh vui hiện tại, hay mong quả phước tương lai mà phát lòng Bồ Đề, gọi là Tà.
2. Chánh: . Không cầu danh lợi, không tham cảnh vui cùng mong quả phước, chỉ vì thoát vòng sanh tử, lợi mình lợi sanh mà cầu đạo Bồ Đề, gọi là Chánh.
3. Chân: Mỗi niệm trên vì cầu Phật đạo, dưới vì độ chúng sanh, nhìn đường Bồ Đề dài xa mà không khiếp, thấy loài hữu tình khó độ nhưng chẳng sờn. Tâm bền vững ấy gọi là Chân (thật)
4. Ngụy: Có tội lỗi không sám hối chừa cải, ngoài dường trong sạch, trong thật nhớp nhơ, trước tinh tấn sau biếng lười. Tâm tốt, còn xen lẫn lợi danh, có pháp lành, còn bị tội lỗi làm ô nhiễm gọi là Ngụy (dối).
5. Đại: Cõi chúng sanh hết, nguyện mới hết; đạo Bồ Đề thành, nguyện mới thành, gọi là Đại.( lớn)
6. Tiểu: Xem tam giới như tù ngục, sanh tử như oan gia; chỉ mong mình mau giải thoát, chẳng muốn độ người, gọi là Tiểu (nhỏ)
7. Thiên: Thấy chúng sanh và Phật đạo ở ngoài tự tánh, rồi nguyện độ nguyện thành, đường công hạnh chẳng quên, sự thấy hiểu không dứt, gọi là Thiên (lệch).
8. Viên: Biết chúng sanh và Phật đạo đều là tự tánh, nên nguyện độ nguyện thành, tu công đức không thấy mình có tu, độ chúng sanh không thấy có chúng sanh được độ, gọi là Viên (tròn).
Tám sắc thái loại tâm ở trên là bỏ tâm tà, ngụy, tiểu, thiên và lấy tâm chánh, chân, đại, viên gọi là chân chánh phát bồ đề tâm.
III). Nguyên Nhân Phát Khởi Bồ Đề Tâm:
A). Đại Sư Thật Hiền trong Văn Phát Bồ Đề Tâm, đưa ra 10 lý do phát khởi bồ đề tâm:
5 loại đầu là nhân duyên ngoại tại, 5 loại sau là nhân duyên nội tại. Đây là nhân duyên phát tâm Bồ đề.
1). Nhớ ơn nặng của Phật: Mười phương ba đời chư Phật xót thương chúng sanh ngu muội mê lầm mà thị hiện thiên bách ức hóa thân, sử dụng vô lượng phương tiện để khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến. Công đức ấy cao dày nói sao cho hết.
2). Nhớ ơn cha mẹ: Nhẫm tính cho đến hôm nay ta được thân người, nghĩa là đã trải vô lượng kiếp rồi. Cha mẹ nhiều đời lao nhọc, nay đã trụ ở phương sở nào, làm sao trả được công đức sâu dày, ngoài cách thường hành Phật pháp, độ khắp chúng sanh.
3). Nhớ ơn sư trưởng: Nay ta hiểu biết, rõ thấu đạo Bồ đề ấy cũng nhờ Sư trưởng khai tâm mở trí cho ta. Nay phải phát tâm Bồ đề độ khắp chúng sanh, trong đó có Sư trưởng. Đó là cách đền ơn thâm mật vi diệu.
4). Nhớ ơn thí chủ: Đàn na thí chủ mười phương tin tưởng hộ trì mà Phật pháp có phương tiện hành trì, phát đạt thấm đượm đến mình.
5). Nhớ ơn chúng sanh: Ta và chúng sanh đòi hỏi đắp bồi làm cha mẹ, vợ con, anh em thân bằng của nhau, vì thế mà nay ta quyết nhớ ơn, không khởi tâm loạn động, nghĩ đến sự xấu ác ngăn ngại
6). Nhớ ơn khổ sanh tử: Sanh tử là cửa lên xuống vào ra của ta trong sáu đường ba cõi, đau khổ khôn cùng nên nay không dám giải đãi, phải phát tâm bồ đề.
7). Trọng tánh linh của mình: Ta phải tin vào khả năng thành Phật của mình, phải sanh tâm hổ thẹn. Chư Phật và ta vốn đồng bản thể, ấy vậy mà ta đã bao đời trầm luân để quý Ngài phải lao nhọc bôn ba hóa độ.
8). Sám hối nghiệp chướng: Đã nhiều kiếp vô minh che lấp, nay được duyên lành gặp được thiện trí, quyết tu hành hồi hướng công đức này cho khắp chúng sanh để tiêu trừ nghiệp chướng, nhất là tâm phát lồ sám hối.
9). Cầu sanh Tịnh độ: Chỉ có Tịnh độ là hội đủ thắng duyên, đã trút gánh nặng tử sanh, nên cầu về đó để tiếp nối tiến trình tu chứng.
10). Làm cho Phật pháp trường tồn lâu dài: Phật đã vì lòng bi xót thương chúng sanh, đã trải qua muôn ngàn trăm ức kiếp tìm ra con đường giải thoát giác ngộ. Công đức ấy cao sâu không sánh nổi, ta không gia công hoằng hóa tài bồi còn đợt đến bao giờ. (Phát Tâm Bồ đề- Thích Nguyên Tạng)
B). 10 Phương Pháp Phát Bồ Đề Tâm Theo Kinh Hoa Nghiêm.
1. Phát tâm Bồ Đề tức là khơi dậy lòng Đại Bi: Chúng sinh cần ta cứu vớt, tình thương của Bạn an ủi, che chở, đùm bọc, tình thương vô tư, bình đẳng rộng lớn có thể dập tắt lửa nóng giận, thù hằn trong tâm họ và tình thương vô ngã như tình thương cha mẹ thương con cái tự nhiên.
2. Phát tâm Bồ đề là khơi dậy lòng an lạc: Chúng sinh ai cũng có nỗi bức rức đau khổ, trong lòng càng bất an, ray rức và cần bạn đem tấm lòng tha thứ bao dung ban bố, khiến tâm hết đau khổ, đắc an lạc.
3. Phát tâm Bồ đề là khơi dậy lòng nhiêu ích: Chúng sanh tạo ác nghiệp khổ đau tăm tối nên cần tấm lòng giúp đỡ ra khỏi hố bùn đen tối và chỉ dẫn đường sáng.
4. Phát tâm Bồ đề là khơi dậy lòng ai mẫn: Chúng sanh tâm sân hận nặng nề nhiều khổ đau sợ hãi, giận dữ, hung bạo, tranh chấp Nên cần tấm lòng bao dung, thông hiểu, an ũi giúp hết sợ hãi.
5. Phát Bồ đề tâm là khơi dậy tâm vô ngại: Chúng sanh thường khởi tâm chướng ngại, đố kỵ cản trở thành công người khác. Vì thế tu nên khởi tâm vô ngại, buông xả, tự tại an lạc
6. Phát tâm Bồ đề là khơi dậy tâm Quảng đại: Chúng sanh thường khởi tâm ích kỷ, hẹp hòi nghĩ lợi mình hại người phiền não khổ đau. Vì thế nên khởi tâm rộng rãi bao dung vô ngã vị tha.
7. Phát tâm Bồ Đề là khơi dậy lòng vô giới hạn: Chúng sanh thường có thành kiến, cố chấp, giới hạn của ngục tù tư tưởng, quan niệm. Vì thế cần khởi tấm lòng không giới hạn bất biến gọi là pháp giới tánh, giúp khai mở ánh sáng trí tuệ
8. Phát tâm Bồ đề là khơi dậy tâm rộng rãi (khoang bát): Chúng sanh khởi tâm ích kỷ chấp ngã tạo nhiều ác nghiệp. Vì thế cần khởi tấm lòng rộng rãi bố thí, giúp đỡ tạo sự an lạc
9. Phát tâm Bồ Đề là khơi dậy tâm thanh tịnh: Ta bà là thế giới kham nhẫn điều bất như ý, thế giới ô nhiễm từ nội tâm lẫn ngoại cảnh của tham, sân, si.. Vì thế cần phát tâm thanh tịnh, an lạc, từ bi xóa hận thù.
10. Phát tâm Bồ đề là phát khởi trí huệ chân chánh: Chúng sanh sống trong ngã chấp nặng nề do vô minh ngu si dẫn dắt trong vòng sanh tử luân hồi khổ đau lục đạo. Vì thế cần người khai mở trí tuệ chân chánh phát tan sự chấp ngã của chúng sanh. (Phát Tâm Bồ Đề Theo Kinh Hoa Nghiêm - Thích Phước Trí)
IV).Trọng Yếu Phát Bồ Đề:
1. Giác Ngộ Tâm. Giác ngộ Nhơn và Pháp đều không, thì giữ lòng thanh tịnh trong sáng không chấp trước mà niệm Phật. Cổ đức dạy "Thân như bọt tụ, tâm như gió. Huyễn hiện vô căn, không tánh thật."
2. Bình Đẳng Tâm. Lòng bình đẳng tôn kính tu niệm, sẽ dứt được nghiệp chướng phân biệt khinh mạn, nảy sanh các đức lành. Đức Phật dạy: "Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, là cha mẹ đời quá khứ và chư Phật đời vị lai."
3. Từ Bi Tâm. Lòng xót thương cứu độ, mà lìa tướng, không phân biệt chấp trước; tâm này thể hiện dưới đủ mọi mặt, nên kết quả được an vui giải thoát, phước huệ càng tăng. Ngược lại Ái kiến: lòng thương yêu mà chấp luyến trên hình thức, nên kết quả bị sợi giây tình ái buộc ràng.
4. Hoan Hỷ Tâm. Có 2 thứ: Tùy hỷ và Hỷ xả. “Lòng tùy hỷ trừ được chướng tật đố nhỏ nhen. Lòng hỷ xả giải được chướng hận thù báo phục”. Tùy hỷ là thấy ai được sự phước lợi, hưng thạnh, thành công, an ổn, cũng sanh niệm vui vẻ mừng giùm. Hỷ xả là dù có chúng sanh làm những điều tội ác, vong ân, khinh hủy, hiểm độc, tổn hại cho người hoặc cho mình, cũng an nhẫn vui vẻ mà bỏ qua. Vì tướng người, tướng ta và tướng não hại đều rỗng không.
5. Sám Nguyện Tâm. Thân kính lễ Tam Bảo, khẩu tỏ bày tội lỗi cầu được tiêu trừ, ý thành khẩn ăn năn thề không tái phạm. Tội chướng mới tiêu trừ, công đức ngày thêm lớn, phước huệ lưỡng toàn, tâm và cảnh đều không, mới là chân sám hối.
6. Bất Thối Tâm. Đạo tâm không thối chuyển, phải lập thệ nguyện kiên cố. Thề rằng: "Thân này dầu bị vô lượng sự nhọc nhằn khổ nhục, hoặc bị đánh giết cho đến thiêu đốt nát tan thành tro bụi, cũng không vì thế mà phạm điều ác, thối thất trên bước tu hành." (Niệm Phật Thập Yếu- HT Thích Thiền Tâm)
V). Đặc Tính Của Bồ Đề Tâm
“Phát tâm Bồ đề” lấy tình thương từ bi và trí huệ làm căn bản của đạo Phật và là lý tưởng Bồ tát đạo thực hành qua pháp học, pháp hành, tự độ và độ tha. Tức là “trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh”. Thực hành 2 mục tiêu này là thực hành 3 đặc tính của tâm Bồ đề là: Trực Tâm, Thâm Tâm và Đại Bi Tâm.
1. Trực tâm: là tâm chính niệm chân như, chính niệm Phật tánh: đây là tâm thái có thể quán chiếu, có thể thấy, có thể phản ảnh đặc tính của chân như. Tâm này là trạng thái rỗng rang không chút phiền não, duyên lự, tạp niệm của lòng ta. Tâm này khi phát triển đến cùng cực sẽ khiến trí hụê Bát nhã hiễn hiện, đồng thời khiến ta đạt tới cảnh giới vô ngã, là căn bản để liễu thoát sinh tử. Ở nơi mức độ bình thường, thấp nhất, tâm này là lương tâm, là tâm chân thật, thẳng thắn, ngăn chặn ta làm ác, hủy phạm giới luật, làm chuyện đen tối, khúc khuỷu, không thành thật, dối trá.
2. Thâm tâm: là tâm thái hướng vào tánh chân thiện mỹ của pháp tánh: Đây là tâm khiến ta thích làm thiện, thích tu hành, thích học tập. Tâm này là rường cột giúp ta thành tựu mười ba la mật, thập lực trí và vô số thần thông biện tài công đức, bởi vì nó thôi động sự ưa thích thực hiện vô vàn điều lành, tu tập muôn ngàn pháp môn mà không mệt mỏi, nhàm chán. Để phát triển tâm này, ta cần phát vô số đại nguyện, nguyện tu hành vô lượng pháp môn. Tâm này khi phát triển đến cùng cực sẽ làm ta đạt tới cảnh giới vô ngã Niết Bàn, song không làm tà chấp vào cảnh giới tịnh tĩnh của cõi Niết Bàn. Ngược lại nó khiến ta không ngừng tu hành để viên mãn hạnh nguyện.
3. Đại bi tâm: là tâm bao nạp tất cả chúng sinh, là lòng thương vô hạn: Lòng này là đại bi khiến ta thấy chúng sinh và mình chỉ là một. Lòng đại bi giúp ta sống tự tại trong cõi phàm, không chuyện thị phi tranh chấp của chúng sinh làm ta phiền não. Đại bi là tình thương không có điều kiện, không có đòi hỏi được trả ơn hay được thương lại. Người tu tâm đại bi thì chỉ bố thí, ban bố, nhưng không hề đòi hỏi, chiếm đoạt, yêu cầu gì lại cho mình. Nếu trực tâm được tu hành trong cô đơn im lặng thì đại bi tâm là cách tu hành giữa chúng sanh, huyên náo tạp nhiễm. Chỉ khi tâm đại bi phát triển đến cùng cực thì đạo Bồ Tát mới viên mãn, bởi vì tâm đại bi là chiếc thuyền để độ chúng sinh tới giác ngộ. Và chỉ khi chúng sinh giác ngộ hết thì đạo Bồ tát mới thành.
Ba tâm này liên hệ mật thiết với nhau. Không cách gì chỉ tu đơn độc một tâm mà bỏ phế hai tâm kia. Khi một tâm tu thì tự nhiên nó sẽ thúc đẩy hai tâm kia cùng phát triển. Theo quan điểm của ngài Thanh Lương quốc sư, thì tâm đại bi nuôi dưỡng hai tâm kia. Ngài có làm ví dụ Tâm Bồ Đề như cây đèn dầu. Dầu tượng trưng cho hạnh cứu độ chúng sinh, tức là lòng đại bi. Tim đèn tượng trưng cho hạnh của thâm tâm, tức sự rộng phát đại nguyện. Ánh sáng của đèn tượng trưng cho hạnh của trực tâm, tức là đại trí hụê. Qua đó ta thấy, tu Bồ Tát hạnh là làm phát triển và thành thục tới chổ cứu cánh viên mãn Bồ Đề Tâm, tức trực tâm, thâm tâm và đại bi tâm. (Phát Tâm Bồ Đề Theo Kinh Hoa Nghiêm - Thích Phước Trí)
VI). Lợi Ich Phát Bồ Đề Tâm:
1. * Phổ Hiền Bồ Tát bảo: “Thiện nam tử! Bồ Tát vì điều phục giáo hóa tất cả chúng sanh nên phát Bồ Đề tâm. Vì trừ diệt khổ tụ cho tất cả chúng sanh, nên phát Bồ Đề tâm. Vì đem cho tất cả chúng sanh sự an vui đầy đủ, nên phát Bồ Đề tâm. Vì dứt trừ sự ngu tối cho tất cả chúng sanh, nên phát Bồ Đề tâm. Vì đem lại Phật trí cho tất cả chúng sanh, nên phát Bồ Đề tâm. Vì cung kính cúng dường tất cả chư Phật, nên phát Bồ Đề tâm. Vì tùy thuận lời dạy Như Lai khiến chư Phật hoan hỷ, nên phát Bồ Đề tâm. Vì muốn thấy sắc thân tướng hảo của tất cả chư Phật, nên phát Bồ Đề tâm. Vì muốn vào trí huệ rộng lớn của tất cả chư Phật, nên phát Bồ Đề tâm. Vì muốn hiển hiện các đức: lực, vô úy của chư Phật, nên phát Bồ Đề tâm” (Niệm Phật Thập Yếu- HT Thích Thiền Tâm)
2.* “Nhập Bồ Tát hạnh” có nói: “Muốn diệt trừ vô lượng khổ đau trong ba cõi, và trừ những nỗi bất an cho hữu tình, muốn hưởng được trăm thứ khoái lạc, thì đừng bao giờ xả bỏ Tâm Bồ Đề. Những hữu tình đang bị trói buộc trong ngục sinh tử mà phát Tâm Bồ Đề chốc lác cũng được gọi là con của Phật, đáng được trời người kính lễ. Như hóa chất luyện vàng, cái thân phàm tục ô uế sẽ được Tâm Bồ Đề chuyển hóa thành thân Phật, bảo châu vô giá. Bởi thế, hãy giữ vững Tâm Bồ Đề. Bằng con mắt tuệ, đấng đạo sư của chúng sanh thấy rõ Tâm Bồ Đề hết sức qúy báu. Bởi vậy, ai muốn ra khỏi ba cõi hãy khéo giữ vững Tâm Bồ Đề”.
3. * Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ dạy rằng: “Tâm Bồ Đề giống như hạt giống có thể làm tăng trưởng pháp bạch tịnh cho chúng sanh. Tâm Bồ Đề giống như mặt đất có thể giữ gìn tất cả thế gian. Tâm Bồ Đề giống như nước trong vì có thể rửa sạch tất cả nhơ bẩn của phiền não. Tâm Bồ Đề giống như ngọn lửa lớn có thể thiêu đốt tất cả củi kiến chấp.”
VII). Thực Hành Phát Bồ Đề Tâm:
“Phát tâm Bồ đề” - Đại sư Ribur Rinpoche dạy rằng: “Tinh túy của tám muôn bốn ngàn pháp môn nằm gọn trong tâm Bồ đề. Đây là tâm nguyện mong mình thành Phật để giúp chúng sanh thoát khỏi khổ đau đến tới niềm an lạc không gì sánh bằng”
Phương pháp phát tâm Bồ đề gọi là “Bảy điểm nhân quả”, người tu bắt đầu quán tâm bình đẳng (tâm xả), rồi lần lượt quán từng đề mục như sau:
1. Thấy tất cả chúng sanh đều là mẹ của mình
2. Nhớ lại ơn nặng của mẹ chúng sanh
3 Muốn đền trả ơn ấy
4.Đại từ (ban cho niềm an vui chúng sanh)
5. Đại bi (nhận và làm vơi bớt nỗi khổ đau chúng sanh)
6.Đại nguyện (tâm nguyện phi thường, tinh thần trách nhiệm với toàn thể chúng sanh)
7. Tâm Bồ đề
Sáu bước đầu là nhân, đưa tới bước bảy là quả, là tâm bồ đề
Bây giờ chúng ta bắt đầu với phương pháp Bảy điểm nhân quả. Phương pháp này phải dựa trên nền tảng của tâm đại xả. Đại xả không thuộc về Bảy điểm nhân quả, nhưng lại là nền tảng, nếu đếm chung vào thì thành tám điểm. Trước hết quí vị phải khởi được tâm đại xả, rồi [1] biết rằng tất cả chúng sinh đều là mẹ của mình, [2] nhớ lại tình thương yêu mình đã nhận được từ mẹ, [3] cảm thấy muốn đền đáp ơn lớn này. Nhờ quán như vậy mà có được [4] lòng đại từ thấy cái đẹp của chúng sinh, [5] lòng đại bi muốn mọi người thoát khổ, và [6] khởi đại nguyện muốn gánh vác chúng sinh, từ đó [7] phát khởi tâm bồ đề.
Mối liên hệ nhân-quả của bảy điểm này như sau: Tâm bồ đề là nguyện đạt quả vị Phật để phát triển tối đa khả năng của mình, mang lại lợi lạc tối đa cho chúng sinh. Tâm bồ đề như vậy, muốn phát thì phải có tâm nguyện phi thường muốn gánh vác chúng sinh, giải thoát khổ đau và mang hạnh phúc đến cho tất cả. Đây là một tâm nguyện cực kỳ dũng mãnh.
“Ba Điểm Tinh Yếu Của Đường Tu Giác Ngộ” - Đại sư Ribur Rinpoche dạy rằng:
1. Tâm cầu giải thoát (buông xả luân hồi, cầu giải thoát sanh tử luân hồi)
2. Tâm Bồ đề (pháp bảy điểm nhân quả và hoán chuyển ngã tha, tâm đại từ bi)
3. Tâm tuệ tánh không (quán duyên khởi và tánh không, vô thường, vô ngã)
Đầu tiên là pháp tu của “Bảy điểm nhân quả”, sau đó thực hành pháp “Hoán chuyển ngã tha” (hoán chuyển mình và người), theo Phật giáo Tây Tạng gọi là “Tonglen” nghĩa là Cho và nhận” một phương pháp tu tập khởi dậy nơi ta sự sẵn sàng mở lòng đón nhận những nỗi khổ đau và phiền não của người khác, đồng thời trao đi niềm an vui và sự an lành đến mọi người chung quanh. Đây là thực hành tâm đại từ đại bi. Cho an vui là tâm đại từ. Nhận nỗi khổ chúng sanh là tâm đại bi. "Nguyện tất cả chúng sinh cùng thoát khỏi khổ đau và mầm khổ đau, nguyện tất cả chúng sinh cùng được hạnh phúc và mầm hạnh phúc".
Kết Luận:
Kinh Pháp Hoa, Đức Phật dạy rằng: “Những người con trai lành, con gái lành nên phải vào nhà Như Lai (Đức Phật), mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai.
- Nhà Như Lai là tâm đại Từ Bi đối với hết thảy chúng sanh.
- Áo Như Lai là tâm nhu hòa nhẫn nhục.
- Tòa Như Lai là quán hết thảy pháp không.”
Nền tảng căn bản giáo lý Phật Đà là tấm lòng Từ Bi, Trí Tuệ, Vô Ngã Vị Tha. Người con Phật thực hành tấm lòng Từ Bi là cứu khổ ban vui nghĩa là “Tất cả điều tốt là dành cho người khác, mọi điều xấu điều thuộc về ta” là Bồ Đề Tâm. Nên Kinh Phật dạy rằng người chân chính tu hành nên lấy: "Bồ Đề tâm làm nhân, đại bi làm căn bản, phương tiện làm cứu cánh."
“Tứ hoằng thệ nguyện” là lý tưởng Bồ Tát đạo của Phật giáo đại thừa là tâm nguyện muốn giải thoát cho tất cả chúng sanh, đoạn trừ phiền não,học hỏi vô lượng pháp môn và thành tựu Phật đạo.
1. Chúng sanh vô biên thề nguyện độ: Nguyện độ khắp tất cả chúng sanh, không bỏ sót một ai, không phân biệt.
2. Phiền não vô tận thề nguyện đoạn: Nguyện đoạn trừ tất cả phiền não, những chướng ngại tâm lý làm khổ đau chúng sanh và bản thân.
3. Pháp môn vô lượng thề nguyện học: Nguyện học hỏi tất cả các pháp môn Phật đà, những phương tiện giúp giải thoát, giác ngộ
4. Phật đạo vô thượng thề nguyện thành: Nguyện thành Phật, đạt được trí tuệ tối thượng, giác ngộ hoàn toàn, để có thể giúp chúng sanh trên con đường giải thoát.
Tham Khảo:
1. Phát Bồ Đề Tâm- Đại Sư Tỉnh Am - HT Thích Trí Quang dịch
2. Khuyên Phát Bồ Đề Tâm- Đại Sư Tỉnh Am- Diễn Bồi Pháp Sư Giảng
3. Nhập Bồ Tát Hạnh- Đại Sư Tịch Thiên-Thích Nữ Trí Hải dịch hán-Trần Ngọc Giao dịch
4. Phát Bồ Đề Tâm- Đại Sư Tỉnh Am- HT Thích Tuyên Hóa giảng giải
5. Phát tâm Bồ đề- Đại sư Ribur Rinpoche
6. Ba Điểm Tinh Yếu Của Đường Tu Giác Ngộ- Đại sư Ribur Rinpoche
7. Niệm Phật Thập Yếu- HT Thích Thiền Tâm
8. Phát Tâm Bồ Đề Theo Tinh Thần Kinh Hoa Nghiêm - Thích Phước Trí
9. Phát Tâm Bồ Đề -Thích Nguyên Tạng