Tranh minh hoạ tăng nhân Biện Cơ
Một trong những tác phẩm của ngài Huyền Trang (602-664) mang tính cống hiến vĩ đại cho ngành khảo cổ ở Ấn Độ nói riêng và cho cả nhân loại nói chung, góp phần giúp tìm ra những Thánh tích nổi tiếng của Phật giáo tại Ấn Độ, đó chính là tác phẩm. Đại Đường Tây Vực ký (大唐西域記).
Đây vốn là những ghi chép của ngài Huyền Trang sau khi trải qua những quốc gia và khu vực, đặc tả những Thánh tích, những nơi ngài đã di qua trong chuyến hành trình từ Trung Hoa đến Ấn Độ kéo dài mười bảy năm (629-645). Những ghi chép đầy giá trị này đã được một trong những cộng sự ưu tú của ngài là Sa-môn Biện Cơ (沙門辯機) biên soạn lại thành mười hai quyển vào niên hiệu Trinh Quán (貞觀) năm thứ hai mươi (năm 646).
Vài nét về ngài Biện Cơ và sự nghiệp văn học Phật giáo
Theo bài Ghi nhận và tán thán (記讚) nằm ở cuối quyển mười hai của tác phẩm Đại Đường Tây Vực ký (大唐西域記) cho biết:
Biện Cơ kế thừa dòng dõi của những bậc siêu phàm, từ nhỏ đã nuôi chí thanh cao. Khi vừa đến tuổi học tập, ông đã từ bỏ thế tục, cạo tóc và khoác áo ca-sa, trở thành đệ tử của Pháp sư Đạo Nhạc 道岳 (568-636)(1) thuộc tông phái Tát-bà-đa tại chùa Đại Tổng Trì(2).
Chùa Đại Tổng Trì (大總持寺) vốn là ngôi tự viện của vương gia, do vua Vũ Thành Đế 武成帝 (537-569) thời Bắc Tề dựng lập vào niên hiệu Hà Thanh (河清) năm thứ hai (năm 563)(3). Đây là ngôi chùa được nhiều bậc danh tăng lưu trú, trong đó có thầy trò ngài Biện Cơ. Trong dịch trường của ngài Huyền Trang đã có nhiều vị Tăng nhân trú tại chùa Đại Tổng Trì cùng tham gia dịch thuật. Đơn cử như trong quá trình dịch kinh Đại thừa đại tập địa tạng thập luân (大乘大集地藏十輪經) như: Sa-môn Đạo Quán làm bút thọ (沙門道觀筆受), Sa-môn Huyền Ứng kiểm tra về văn tự (沙門玄應正字), Sa-môn Đạo Hồng chứng nghĩa (沙門道洪證義), và những vị này đều ở chùa Đại Tổng Trì.
Theo Tục cao tăng truyện(4), ngài Huyền Trang khởi hành đi Ấn Độ vào niên hiệu Trinh Quán năm thứ ba (629) và trở về vào năm thứ mười chín (645). Ngay trong năm đầu sau khi trở về, ngài đã bắt tay vào sự nghiệp phiên dịch nhiều bộ kinh điển như kinh Đại Bồ-tát tạng, gồm hai mươi quyển; kinh Phật địa, một quyển; kinh Lục môn Đà-la-ni, một quyển; Hiển dương Thánh giáo luận, gồm hai mươi quyển; Đại thừa A-tỳ-đạt-ma tạp tập luận, mười sáu quyển(5). Trong năm tiếp theo, Biện Cơ đã dựa theo những ghi chép của ngài mà biên soạn thành tác phẩm Đại Đường Tây Vực ký (大唐西域記) gồm mười hai quyển(6). Có thể nói, trong sự nghiệp sáng tác của Biện Cơ, đầu tiên phải kể đến là sự nghiệp biên tập, xử lý những ghi chép về tư liệu, về quốc gia, về lịch sử, địa lý, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng… của ngài Huyền Trang thành một tác phẩm mà giá trị khảo chứng vẫn còn được khẳng định mãi đến hôm nay.
Trong quá trình trợ dịch cho ngài Huyền Trang, Biện Cơ đóng vai trò bút thọ (筆受)(7) cho các kinh như: Kinh Lục môn Đà-la-ni (六門陀羅尼經), kinh Phật địa (佛地經), Hiển dương Thánh giáo luận tụng (顯揚聖教論頌). Những bản kinh, luận này đươc dịch và hoàn tất vào niên hiệu Trinh Quán năm thứ mười chín (貞觀十九年). Điều đó chứng tỏ rằng, Biện Cơ đã có mặt trong dịch trường của ngài Huyền Trang ngay từ những năm đầu tiên. Đặc biệt, đối với tác phẩm Du-già-sư-địa luận (瑜伽師地論), gồm 100 quyển, khởi dịch vào ngày Rằm tháng Năm năm thứ hai mươi mốt (647), niên hiệu Trinh Quán và hoàn tất vào vào ngày Rằm tháng Năm năm thứ hai mươi hai (648), thì Biện Cơ đóng vai trò nhuận sắc văn chương (綴文)(8) nguyên cả ba mươi quyển, phần Nhiếp quyết trạch (攝決擇分), tức là từ quyển năm mươi mốt đến quyển tám mươi(9).
Như vậy, ngoài vị dịch chủ là ngài Huyền Trang thì trong hai mươi mốt vị tham gia dịch và hoàn thiện bộ Du-già-sư-địa luận, có thể nói rằng, công lao của Biện Cơ rất lớn. Với năng lực vượt trội như vậy, nhưng trong đời sống cá nhân, Biện Cơ có liên quan đến một lỗi lầm nghiêm trọng, được ví như là một kỳ án trong chốn Thiền môn thời bấy giờ.
Kỳ án chốn cửa Thiền qua ngòi bút của sử gia
Không rõ vì lý do gì mà toàn bộ các bộ chính sử của Phật giáo hiện còn trong tạng Đại Chánh, kể cả các tạng Phật giáo Trung Hoa đều không hề đề cập bất cứ chi tiết nào liên quan đến kỳ án của Tăng nhân Biện Cơ. Tuy nhiên, ở những bộ được xem như chính sử của Trung Hoa như Tân Đường thư (新唐書) và Tư trị thông giám (資治通鑑) thì đã có những ghi nhận về trường hợp của Biện Cơ.
Theo Tân Đường thư, quyển tám mươi ba, chuyện công chúa Hợp Phố (合浦公主), đã ghi rằng:
Công chúa Hợp Phố ban đầu được phong là Cao Dương, được gả cho [Phòng] Di Ái, con trai của Phòng Huyền Linh. Vì công chúa được Đường Thái Tông sủng ái, nên lễ cưới của bà khác hẳn so với các phò mã khác. Cũng vì thế mà công chúa trở nên kiêu ngạo. Phòng Di Trực, vì là con trai trưởng nên đáng được phong làm Ngân Thanh Quang Lộc Đại Phu, ông nhường tước này cho em trai mình, là [Phòng] Di Ái nhưng hoàng đế không chấp thuận. Sau khi [Phòng] Huyền Linh qua đời, công chúa ép [Phòng] Di Ái phân chia tài sản một cách bất công, sau đó lại vu cáo Phòng Di Trực, khiến ông phải tự mình biện bạch. Hoàng đế trách mắng công chúa nghiêm khắc, sau đó bỏ qua cho bà. Từ đó, công chúa dần bị thất sủng và tỏ ra bất mãn.
Bấy giờ, Ngự sử phát hiện một vụ trộm, thu giữ được một chiếc gối quý bằng vàng ngọc của Sa-môn Biện Cơ, và ông khai rằng do công chúa ban tặng. Trước đó, Biện Cơ đã [dựng] am tranh trên đất được phong của công chúa. Một lần, công chúa cùng [Phòng] Di Ái đi săn, bà trông thấy Biện Cơ và nảy sinh lòng yêu thích, bèn dựng lều trướng nơi am thất của ông ta và cùng nhau tư thông. Lại ban cho [Phòng] Di Ái hai nữ nhân theo hầu và ngầm ban tặng tài vật đến hàng ức. Khi sự việc bị phát giác, Biện Cơ bị xử tử và hơn mười nô tỳ cũng bị giết. Công chúa càng thêm oán hận. Khi Đường Thái Tông băng hà nhưng bà không hề tỏ ra đau buồn. Ngoài ra, công chúa còn bí mật qua lại với nhà sư Trí Húc, người xem bói họa phúc và Huệ Hoằng, người có khả năng nhìn thấy ma quỷ, đạo sĩ Lý Hoảng, một thầy thuốc giỏi. Công chúa sai Trần Huyền Vận, quan cai quản nội cung, theo dõi điềm lành dữ trong cung và biến động của thiên văn. Trong niên đại Vĩnh Huy, công chúa cùng [Phòng] Di Ái mưu phản, bị ban chết. Đến thời Hiển Khánh, bà được truy tặng(10).
Theo Tân Đường thư, nguồn vừa dẫn ở trên, trong hai mươi mốt công chúa của vua Đường Thái Tông thì công chúa Hợp Phố đứng vị trí thứ mười bảy. Dù không phải là con gái đầu nhưng không biết nhân duyên do đâu mà được vua cha rất mực sủng ái. Từ sự sủng ái đó mà công chúa đã sinh ra kiêu ngạo đối với tất cả những người thân và bất hiếu đối với đấng sinh thành. Bởi lẽ, mặc dù được vua Đường thương yêu, chăm sóc, bảo ban, tha thứ hết mực, nhưng trong tang lễ của vua cha, công chúa cũng không hề lộ vẻ đau buồn. Đặc biệt, đối với chồng, là phò mã Phòng Di Ái, công chúa không những tỏ ra lấn lướt trong việc tham gia định đoạt việc bên chồng với những mưu sâu, kế hiểm mà còn phản bội tình cảm vợ chồng bằng cách ngang nhiên tư thông với Tăng nhân Biện Cơ trong chuyến đi săn của cả hai vợ chồng. Không những vậy, ngoài Biện Cơ ra, công chúa còn ngấm ngầm tư thông với vô số Sa-môn, đạo sĩ như Tân Đường thư đã chỉ ra.
Với cha thì bất hiếu, với chồng thì phản bội, với Sa-môn, đạo sĩ thì gian tà, với quốc gia thì phản nghịch. Thử hỏi, còn đạo nghĩa nào để giữ thân? Còn lương tâm nào để soi xét? Còn danh phận nào để đứng giữa cõi đời? Còn đất trời nào dung chứa hạng người như vậy?
Câu chuyện của công chúa và Tăng nhân Biện Cơ cũng được Tư trị thông giám (資治通鑑) ghi nhận với những nét tương đồng như vậy, nhưng có nhấn mạnh thêm những chi tiết như [Đường] Thái Tông giận dữ [hạ lệnh] chém ngang lưng Biện Cơ (太宗怒, 腰斬辯機); công chúa Cao Dương mưu toan phế truất Di Trực, tước đoạt phong tước của hắn, sai người vu cáo rằng Di Trực vô lễ với mình (高陽公主謀黜遺直,奪其封爵,使人誣告遺直無禮於己)…
Là một công chúa mang đầy những thói xấu như trên, thử hỏi một nam nhân bình thường liệu có ai bận tâm mong ước, huống hồ một Sa-môn trẻ tuổi, tài cao và tràn đầy nhiệt huyết với việc trợ giúp việc phiên kinh như Biện Cơ? Có thể nói, trong sự kiện tang thương giữa công chúa Cao Dương và Biện Cơ, điều dễ dàng nhận ra là công chúa đóng vai trò chủ động và cũng chính vì vậy mà đã xuất hiện nhiều nghi án xoay quanh sự kiện này.
Những nghi án chưa hồi kết
Trước hết, có những bất cập về niên đại trong sự việc liên quan đến Biện Cơ. Theo Tân Đường thư và cả Tư trị thông giám thì sự kiện này diễn ra trong thời kỳ vua Đường Thái Tông còn trị vì, tức là trước năm thứ hai mươi ba, niên hiệu Trinh Quán (649), là năm Đường Thái Tông băng hà. Tuy nhiên, theo tiểu truyện của ngài Thích Tĩnh Mại (釋靖邁) trong. Tống cao tăng truyện, thì ngài cùng mười người, trong số đó có ngài Biện Cơ, được tuyển vào chùa Từ Ân (慈恩寺) làm công việc trợ phiên như bút thọ, xuyết văn…
Trong việc trợ dịch bộ kinh Bổn sự, được Tống cao tăng truyện ghi lại như sau:
Ngài Thê Huyền ở chùa Phổ Quang, ngài Minh Tuấn ở chùa Quảng Phước, ngài Biện Cơ ở chùa Hội Xương, ngài Đạo Tuyên ở chùa Phong Đức ở Chung Nam Sơn cùng bút thọ, xuyết văn, phiên dịch kinh Bổn Sự thành bảy quyển(11).
Căn cứ vào thông tin từ Khai Nguyên thích giáo lục, thì niên đại dịch kinh Bổn sự vào năm thứ nhất, niên hiệu Vĩnh Huy (永徽元年), tức là năm 650(12). Nếu thông tin này chính xác thì sự kiện xử tội Biện Cơ diễn ra sau khi Đường Thái Tông băng hà. Quan điểm vừa nêu cũng có cơ sở, vì lẽ vào ngày 20, tháng Ba, năm thứ hai mươi hai, niên hiệu Trinh Quán (648), thì Biện Cơ còn đóng vai trò là Bút thọ cho bộ kinh Thiên thỉnh vấn (天請問經)(13).
Có thể nói, những nghi án về Biện Cơ và công chúa Cao Dương đã dành nhiều sự quan tâm trong nhiều thời kỳ. Đặc biệt, nhà nghiên cứu Trần Viên (陳垣, 1880-1971), một nhà sử học nổi tiếng của Trung Quốc, đã có những nghiên cứu sâu sắc về nghi án giữa Biện Cơ và công chúa Cao Dương qua tác phẩm Đại Đường Tây Vực ký soạn nhân Biện Cơ (大唐西域記撰人辯機)(14).
Theo tác giả, vụ việc có thể bị phóng đại hoặc mang màu sắc chính trị, bởi lẽ trong thời gian đó, giới Tăng lữ có những ảnh hưởng lớn và có thể trở thành mục tiêu của những phe phái chính trị trong triều đình. Ngay trong Cựu Đường thư (舊唐書), các bậc cao tăng như ngài Huyền Trang, Thần Tú… đều được ghi nhận, nhưng ở Tân Đường thư thì các nhân vật này bị cắt bỏ hoàn toàn. Với những nghiên cứu dựa trên những tư liệu sử học, tác giả Trần Viên cho rằng, Biện Cơ có thể đã bị hại do liên quan đến những tranh chấp quyền lực trong triều đình, đặc biệt là khi Phật giáo có những ảnh hưởng mạnh mẽ, và có thể gây xung đột với thế lực của Đạo giáo hoặc Nho giáo trong triều(15).
Kết luận
Từ những điều trình bày ở trên, có thể khái quát bước đầu rằng, mặc dù những nguồn chính sử như Tân Đường thư và Tư trị thông giám đều cho rằng Biện Cơ tư thông với công chúa Cao Dương và bị xử tử, tuy nhiên, theo ghi nhận từ Tống cao tăng truyện thì Biện Cơ vẫn còn tham gia dịch kinh sau thời vua Đường Thái Tông, điều đó đặt nghi vấn về thời gian vụ án diễn ra.
Biện Cơ là một Tăng sĩ ở thời nhà Đường, có năng lực thật sự, tham gia vào công tác phiên dịch kinh điển quan trọng, là tác giả biên soạn bộ Đại Đường Tây Vực ký, được ái mộ bởi nhiều người, tương lai đang rực sáng; thế nên có thể đã trở thành mục tiêu của các phe nhóm, thậm chí là những phe nhóm chính trị - tôn giáo trong triều đình, có thể nhân một sự liên hệ có nhiều khuất tất của ông với công chúa Cao Dương mà đã dựng nên một kỳ án chấn động lịch sử.
Từ thông tin ở hai nguồn chính sử nêu trên, đã xác định rằng, không có bằng chứng chắc chắn để khẳng định Biện Cơ phạm giới trọng với công chúa Cao Dương. Mặt khác, nếu như việc đó có diễn ra, thì cũng phải căn cứ vào từng tình huống cụ thể, bị bức ép hay không bị bức ép, có cảm thọ lạc hay không có cảm thọ lạc mới có thể xác định có phạm hoặc không phạm trọng giới(16). Tuy nhiên, tất cả những ghi chép chi tiết có liên quan đến kỳ án này không còn tồn tại trong các nguồn sử liệu chính thống của Phật giáo, thể hiện trong Đại tạng kinh và các nguồn chính sử; thế nên vẫn chưa đủ cơ sở để kết tội Biện Cơ phạm trọng giới với công chúa Cao Dương.
Đọc lại lịch sử Trung Hoa và ngay như Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, có thể tìm thấy vô số trường hợp oan khuất đã từng diễn ra trong thời phong kiến. Đoạn văn ở tác phẩm Từ bi tam muội thuỷ sám, theo bản dịch của ngài Huyền Dung, dường như là thực tế đã từng diễn ra trong hoặc trước thời của ngài Tri Huyền, là quốc sư Ngộ Đạt 悟達國師知玄 (809-881):
Hoặc phóng túng tư thù, không kể lời nghị bàn công chính, dẫu người kia là bậc trung thần, hiếu tử hay là chí sĩ, hiền nhân, vẫn cứ làm văn thêu dệt nên tội, để người đời sau tin cho là thật, khiến người kia phải ôm hận dưới cửu tuyền không biết đâu biện bạch(17).
Phải chăng, Biện Cơ là một kỳ án nằm trong những trường hợp đó?
_____
(1)Theo Tục cao tăng truyện續高僧傳 (T.50. 2060.13. 0527a13), ngài Đạo Nhạc nhận chiếu về ở chùa Đại Tổng Trì (大總持寺) vào niên hiệu Đại Nghiệp năm thứ 8 (612), khi ấy Tăng chúng ở nơi này đã khoảng 300 vị. Ngài rất giỏi về Câu-xá luận nên được mời giảng tại đây.
(2)Đại Đường Tây Vực ký 大唐西域記 (T.51. 2087.12. 0947a23). Nguyên tác: 辯機遠承輕舉之胤, 少懷高蹈之節, 年方志學, 抽簪革服, 為大總持寺薩婆多部道岳法師弟子.
(4)Sách Phủ Nguyên Quy tuyển tập 冊府元龜選輯 (B.19. 0094.3. 0799b16). Nguyên tác: 武成帝河清二年五月詔以城南雙堂之菀建造大總持寺.
(4)Tục cao tăng truyện 續高僧傳 (T.50. 2060.4. 0447a14-0447b25).
(5)Tự Sa-môn Huyền Trang thượng biểu ký 寺沙門玄奘上表記 (T.52. 2119. 0818a29). Nguyên tác: 大菩薩藏經二十卷。 佛地經一卷。 六門陀羅尼經一卷。 顯揚聖教論二十卷。 大乘阿毘達磨雜集論十六卷.
(6)Khai Nguyên thích giáo lục開元釋教錄(T.55. 2154.8. 0557b11). Nguyên tác: Đại Đường Tây Vực ký gồm 12 quyển (theo Nội điển lục). Năm Trinh Quán thứ 20, vâng chiếu chỉ tại viện phiên kinh chùa Hoằng Phúc biên soạn, do Sa-môn Biện Cơ tiếp nhận thánh ý và biên tập (大唐西域記十二卷(見內典錄貞觀二十年奉勅於弘福寺翻經院撰沙門辯機承旨綴).
(7)Bút thọ (筆受): Vị ghi chép lại những nội dung kinh văn vừa được dịch. Đại Từ điển Hán ngữ giải thích rằng: Dùng bút ghi chép lại những gì mà người khác đọc ra (用筆記述別人口授的話).
(8)Xuyết văn (綴文). Đại Từ điển Hán ngữ giải thích rằng: Liên kết từ ngữ để tạo thành văn chương (謂連綴詞句以成文章).
(9)Du-già-sư-địa luận 瑜伽師地論 (T.30. 1579.1. 0283c25). Nguyên tác: 攝決擇分, 凡三十卷, 大總持寺沙門辯機.
(10)Tân Đường thư, quyển bát thập tam, liệt truyện đệ bát, chư đế công chủ (新唐書, 卷八十三,列傳第八諸帝公主). Nguyên tác: 合浦公主, 始封高陽。 下嫁房玄齡子遺愛。 主, 帝所愛, 故禮異它婿。 主負所愛而驕。 房遺直以嫡當拜銀青光祿大夫, 讓弟遺愛, 帝不許。玄齡卒, 主導遺愛異貲, 既而反譖之, 遺直自言, 帝痛讓主, 乃免。 自是稍疏外, 主怏怏。 會御史劾盜, 得浮屠辯機金寶神枕, 自言主所賜。 初, 浮屠廬主之封地, 會主與遺愛獵, 見而悅之, 具帳其廬, 與之亂, 更以二女子從遺愛, 私餉億計。 至是, 浮屠殊死, 殺奴婢十餘。主益望,帝崩無哀容。又浮屠智勖迎占禍福,惠弘能視鬼, 道士李晃高醫, 皆私侍主。 主使掖廷令陳玄運伺宮省禨祥, 步星次。永徽中, 與遺愛謀反, 賜死。顯慶時追贈.
(11)Tống cao tăng truyện 宋高僧傳 (T.50. 2061.4. 0727c19). Nguyên tác: 同普光寺棲玄, 廣福寺明𤀹, 會昌寺辯機, 終南山豐德寺道宣同執筆綴文, 翻譯《本事經》七卷.
(12)Khai Nguyên thích giáo lục開元釋教錄(T.55. 2154.8. 0557a03).
(13)Khai Nguyên thích giáo lục開元釋教錄(T.55. 2154.8. 0557a05). Nguyên tác: 天請問經一卷(見內典錄貞觀二十二年三月二十日於弘福寺翻經院譯沙門辯機筆受.
(14)Xem nguyên tác, tại đây: https://book.douban.com/review/14801362/. Hoặc tải về, tại đây: https://www.airitilibrary.com/Article/Detail/ 10124195-193005-201011160113- 201011160113-76-88. Truy cập ngày 30.3.2025.
(15)Xem thêm những phản biện về tác phẩm Tân Đường thư, về sự kiện Biện Cơ và công chúa Cao Dương của nhà nghiên cứu sử học thời nhà Thanh, tên Triệu Dực (趙翼), hiệu là Âu Bắc 甌北 (1727-1814), thể hiện trong quyển thứ 16, ở tác phẩm: Nhị thập nhị sử trát ký (廿二史劄記). Xem đầy đủ tại đây: https://ctext.org/wiki.pl?if=gb&chapter=137790
(16)Xem thêm về các trường hợp phạm giới hoặc không phạm giới Ba-la-di tại: Tứ phần luật, tứ Ba-la-di chi nhất 四分律, 四波羅夷法之一(T.22. 1428.1 0572a03-0572b05).
(17)Từ bi thuỷ sám pháp 慈悲水懺法 (T.45. 1910.2. 0974c23). Nguyên tác: 或恣任私讎忘其公議。 使彼忠臣孝子志士仁人。 強作篇章文致其惡。 後世披覽遂以為然。 令其抱恨重泉無所明白.
Tài liệu tham khảo
Tục cao tăng truyện (續高僧傳)
Đại Đường Tây Vực ký (大唐西域記).
Du-già-sư-địa luận (瑜伽師地論).
Tự Sa-môn Huyền Trang thượng biểu ký (寺沙門玄奘上表記).
Tứ phần luật (四分律).
Tân Đường thư (新唐書).
Tư trị thông giám (資治通鑑).
Đại Đường Tây vực ký soạn nhân Biện Cơ (大唐西域記撰人辯機).
Nhị thập nhị sử trát ký (廿二史劄記).
(NSGN 349)
Chúc Phú